Viêm tuyến tiền liệt và các biến chứng nguy hiểm

  12/11/2022

  Lê Hoàn

Viêm tuyến tiền liệt là một bệnh lý nam khoa thường gặp, chiếm một tỷ lệ lớn trong số các bệnh lý nam khoa. Viêm tuyến tiền liệt gây khó chịu, ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt tình dục của người bệnh và có nhiều biến chứng nguy hiểm.

1/ Viêm tuyến tiền liệt là gì?

viêm tuyến tiền liệt

Viêm tuyến tiền liệt là một bệnh lý liên quan đến tình trạng viêm của tuyến tiền liệt hoặc các vùng xung quanh tuyến tiền liệt gây đau. Tuyến tiền liệt là một tuyến nhỏ nằm ngay dưới bàng quang của nam giới có chức năng sản xuất tinh dịch và vận chuyển tinh trùng. Do đó viêm tuyến tiền liệt chỉ gặp ở nam giới và thường phát triển nhanh gây ảnh hưởng đến chức năng sinh lý, sinh hoạt, tình dục của nam giới.

Bệnh viêm tuyến tiền liệt được chia làm 4 loại:

  • Viêm tuyến tiền liệt mãn tính hoặc hội chứng đau vùng chậu mãn tính

  • Viêm tuyến tiền liệt cấp tính do vi khuẩn

  • Viêm tuyến tiền liệt mãn tính do vi khuẩn

  • Viêm tuyến tiền liệt không triệu chứng

2/ Căn nguyên của bệnh

2.1/ Viêm tuyến tiền liệt do vi khuẩn

Thường do các tác nhân gây nhiễm khuẩn đường niệu gây ra như Klebsiella, Proteus, Escherichia, E. coli hoặc Chlamydia. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa xác định được chính xác quá trình xâm nhập của những loại vi khuẩn này. Viêm tuyến tiền liệt mãn tính do nhiễm khuẩn do các vi khuẩn được phân lập không bị diệt trừ tận gốc bằng kháng sinh dẫn đến sự tái phát viêm nhiều lần thành mãn tính.

2.2/ Viêm tuyến tiền liệt không do vi khuẩn

Là tình trạng bệnh lý có hoặc không có phản ứng viêm. Cơ chế gây viêm chưa được xác định rõ ràng nhưng có thể do một số vấn đề như:

  • Nước tiểu đi vào tuyến tiền liệt do áp lực đường tiểu tăng lên.

  • Tăng hoạt động của hệ thần kinh tự chủ vùng chậu dẫn đến tình trạng đau mạn tính không do viêm.

  • Từng bị nhiễm trùng trong hoặc xung quanh tuyến tiền liệt.

  • Có thể do nhiễm trùng nhưng không phát hiện ra quả xét nghiệm.

  • Căng thẳng, lo lắng hoặc trầm cảm.

  • Cơ sàn chậu có vấn đề.

3/ Dấu hiệu viêm tuyến tiền liệt

biểu hiện của bệnh

Các triệu chứng của viêm tuyến tiền liệt khác nhau phụ thuộc vào loại viêm. Các triệu chứng viêm tuyến tiền liệt thường liên quan đến mức độ kích thích đường niệu, tắc nghẽn và đau. Các biểu hiện của kích thích đường niệu bao gồm tiểu nhiều lần và tiểu gấp, tắc nghẽn, tiểu rắt, tiểu không hết, tiểu đêm. Tình trạng đau thường xuất hiện ở vùng đáy chậu, đầu dương vật, đau lưng phần thấp, đau tinh hoàn, một số trường hợp đau khi xuất tinh.

3.1/ Viêm tuyến tiền liệt cấp tính do vi khuẩn

  • Các triệu chứng toàn thân bao gồm sốt, ớn lạnh, khó chịu và đau cơ.

  • Tuyến tiền liệt mềm, sưng to lan tỏa cả tuyến, mềm nhão hoặc xơ chai hoặc cả hai.

  • Khó đi tiểu, nước tiểu đục.

  • Đau xung quanh gốc dương vật và phía sau bìu.

  • Có thể có hội chứng nhiễm trùng toàn thân bao gồm nhịp tim nhanh, thở nhanh, thỉnh thoảng hạ huyết áp.

3.2/ Viêm tuyến tiền liệt mãn tính do vi khuẩn

  • Thường gặp nhiều hơn ở nam giới lớn tuổi do nhiễm khuẩn nhẹ và kéo dài trong vài tháng. Triệu chứng viêm mạn tính xuất hiện và biến mất ngay sau đó, bao gồm:

  • Muốn đi tiểu gấp, tiểu đêm, khó đi tiểu, dòng nước tiểu yếu.

  • Đau khi đi tiểu, khi xuất tinh, đau thắt lưng, đau trực tràng.

  • Cảm giác bìu nặng.

  • Tinh dịch có máu.

3.2/ Hội chứng đau vùng chậu mãn tính

  • Là dạng viêm tuyến tiền liệt phổ biến và biểu hiện tương tự viêm tuyến tiền liệt do nhiễm khuẩn nhưng không phải do vi khuẩn gây ra.

  • Các cơn đau kéo dài hơn 3 tháng ở dương vật, bìu, khu vực giữa bìu và trực tràng, bụng dưới.

  • Đau khi đi tiểu hoặc xuất tinh.

  • Tiểu không tự chủ, có thể đi tiểu hơn 8 lần mỗi ngày, dòng nước tiểu yếu.

4/ Bệnh viêm tuyến tiền liệt có nguy hiểm không

Bệnh viêm tuyến tiền liệt nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm:

  • Viêm nhiễm lan rộng: vi khuẩn gây viêm tuyến tiền liệt không bị tiêu diệt xâm nhập sang các khu vực khác trong cơ quan sinh dục của nam và gây các bệnh lý viêm khác như viêm bàng quang, viêm tinh hoàn, viêm bao quy đầu hoặc quy đầu, viêm nhiễm dương vật gây ảnh hưởng đến chức năng sinh lý của nam giới, thậm chí nguy hiểm hơn có thể gây vô sinh, hiếm muộn.
  • Nhiễm trùng máu: Vi khuẩn tồn tại trong tuyến tiền liệt không bị tiêu diệt xâm nhập vào tuần hoàn máu gây nhiễm trùng máu.
  • U xơ tuyến tiền liệt: Tổn thương tuyến tiền liệt cùng các chất cặn kết hợp lại tạo thành các khối u xơ trong tuyến tiền liệt, bàng quang và gây nhiễm trùng đường tiết niệu, chảy mủ lỗ niệu đạo, tiểu ra máu.
  • Tăng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt: căn nguyên của ung thư tuyến tiền liệt là các khối u xơ và viêm nhiễm.

5/ Phương pháp chẩn đoán & điều trị

5.1/ Chẩn đoán viêm tuyến tiền liệt

chuẩn đoán bệnh lý viêm tuyến tiền liệt

Dựa trên tiền sử bệnh, thăm khám lâm sàng, các triệu chứng lâm sàng.

Các xét nghiệm cận lâm sàng:

  • Xét nghiệm nước tiểu: Kiểm tra các tế bào bạch cầu và vi khuẩn trong dịch tuyến tiền liệt và nước tiểu.

  • Thăm khám trực tràng (DRE): Bác sĩ kiểm tra tình trạng phù nề của tuyến tiền liệt cạnh trực tràng hoặc mật độ căng của tuyến tiền liệt bằng tay.

  • Xoa nắn tuyến tiền liệt: Xoa nắn dẫn lưu chất dịch vào niệu đạo, kiểm tra dịch tìm nhiễm trùng hoặc viêm nhiễm bằng kính hiển vi. Thường được thực hiện cùng lúc với thăm khám trực tràng.

  • Cấy tinh dịch: tìm kiếm vi khuẩn và bạch cầu trong tinh dịch.

  • Nội soi bàng quang: kiểm tra sự thay đổi cấu trúc của bàng quang hoặc tắc nghẽn trong bàng quang.

  • Siêu âm qua trực tràng: thấy trực tiếp hình ảnh tuyến tiền liệt.

  • Chụp cắt lớp vi tính (CT Scan).

5.2/ Điều trị

Điều trị viêm tuyến tiền liệt dựa trên các yếu tố tuổi tác, tiền sử, bệnh sử, nguyên nhân gây bệnh, tình trạng bệnh, mức độ đáp ứng,... của từng bệnh nhân. Phương pháp điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân gây viêm tuyến tiền liệt.

5.2.1/ Viêm tuyến tiền liệt không do vi khuẩn

Thuốc giãn cơ xung quanh tuyến tiền liệt và bàng quang.

Thuốc chống viêm, giảm đau.

Massage tuyến tiền liệt giải phóng dịch giảm áp lực lên tuyến tiền liệt.

Tắm nóng hoặc dùng đai quấn nóng để giảm bớt khó chịu.

Chỉ định kháng sinh khi có nhiễm trùng và ngưng sử dụng khi nhiễm trùng được loại bỏ.

5.2.2/ Viêm tuyến tiền liệt mãn tính do vi khuẩn

Điều trị bằng kháng sinh trong 4 đến 12 tuần, kết hợp thêm kháng sinh liều thấp theo chỉ định nếu kháng sinh không có tác dụng từ 4 đến 12 tuần. Nếu bệnh nhân gặp khó khăn trong việc làm rỗng bàng quang sẽ được hướng đến phương pháp phẫu thuật cắt bỏ một phần tuyến tiền liệt.

5.2.3/ Viêm tuyến tiền liệt cấp tính do vi khuẩn

Điều trị bằng kháng sinh từ 2 đến 4 tuần với tiêu chí đúng loại, đúng liều, đúng thời gian ngay cả khi không có triệu chứng.

Kết hợp thêm thuốc giảm đau nếu cần thiết.

Uống đủ nước.

Các trường hợp nghiêm trọng cần nhập viện để theo dõi điều trị.

6/ Cách phòng ngừa bệnh lý

cách phòng bệnh

Để phòng ngừa viêm tuyến tiền liệt, bạn cần thay đổi lối sống, chế độ ăn uống, tập luyện bao gồm:

  • Vệ sinh sạch sẽ khu vực bộ phận sinh dục cũng như vùng lân cận trên cơ thể để ngăn ngừa nhiễm trùng.

  • Không nên ngồi quá lâu sẽ gây áp lực lên tuyến tiền liệt, đứng dậy vận động thường xuyên.

  • Dành thời gian tập thể dục, vận động, rèn luyện sức khỏe để nâng cao sức khỏe, tăng cường đề kháng.

  • Uống đủ ít nhất 2 lít nước mỗi ngày giúp đảm bảo nước tiểu đủ loãng, tránh gây ứ giúp giảm nguy cơ gây viêm tiết niệu.

  • Ăn uống hợp lý, ăn nhiều trái cây và rau xanh, tránh đồ ăn cay nóng và chất kích thích như rượu, bia, cafe,...

  • Duy trì mức cân nặng hợp lý bằng chế độ ăn uống, vận động, nghỉ ngơi khoa học.

  • Giảm căng thẳng, stress.

  • Quan hệ tình dục an toàn.

  • Liên hệ bác sĩ ngay khi có dấu hiệu bất thường.

Hy vọng bài viết đã cung cấp cho bạn đầy đủ thông tin cần thiết về viêm tuyến tiền liệt. Qua bài viết, mong bạn có thể biết cách phòng tránh cũng như phát hiện và điều trị kịp thời.

Liên hệ hotline 18006574 hoặc truy cập website duocsanfo.vn để biết thêm nhiều thông tin và được giải đáp thắc mắc.

04 234 88666