Viêm màng bồ đào và những biến chứng nghiêm trọng đối với thị lực

  29/11/2022

  Lê Hoàn

Mắt là một cơ quan rất nhạy cảm của con người, bất kỳ tác động nào lên bộ phận nhạy cảm này đều có thể gây ra tổn thương hoặc các bệnh lý mắt. Viêm màng bồ đào mắt là một trong những bệnh lý mắt thường gặp, gây ảnh hưởng đến thị lực, sinh hoạt của người bệnh.  Nếu không được điều trị đúng cách, bệnh nhân có thể gặp phải nhiều biến chứng nguy hiểm về mắt, thậm chí có thể mù lòa.

1/ Viêm màng bồ đào là bệnh gì?

viêm màng bồ đào

VIêm màng bồ đào là viêm nhiễm, sưng ở các vị trí thuộc màng bồ đào bao gồm mống mắt, thể mi và màng đệm. Viêm màng bồ đào có thể gây ảnh hưởng đến thủy tinh thể, võng mạc, các dây thần kinh thị giác.

Viêm màng bồ đào có thể được nhận biết qua các dấu hiệu như:

  • Đỏ mắt do mạch máu bị xung huyết

  • Đau mắt mang tính chất âm ỉ hoặc đột ngột, đau tăng lên khi tập trung chú ý vào một điểm nào đó, đây là triệu chứng  phổ biến nhất.

  • Nhạy cảm với ánh sáng

  • Mờ mắt, giảm thị lực, cảm giác giống như một màn sương mờ che phủ trước mắt.

  • Xuất hiện những điểm đen hoặc những bóng mờ đang di chuyển trong tầm nhìn khi đang nhìn yên một điểm.

  • Khả năng nhìn sự vật và chuyển động của vật bên ngoài đường đi của thị lực giảm

  • Đồng tử có hình dạng khác nhau và khi phản ứng với ánh sáng không thể thu nhỏ.

  • Một số triệu chứng toàn thân có thể gặp như sốt nhẹ, ăn không ngon, đau đầu, ngủ kém,...

Các triệu chứng viêm màng bồ đào có thể xảy ra đột ngột và tiến triển nghiêm trọng một cách nhanh chóng. Viêm màng bồ đào có thể ảnh hưởng đến một hoặc cả hai mắt.

Trong một số trường hợp viêm màng bồ đào không có triệu chứng và dấu hiệu viêm chỉ được nhận thái qua thăm khám nhãn khoa. Do đó, việc thăm khám nhãn khoa định kỳ rất quan trọng trong việc kiểm tra sức khỏe mắt.

2/ Phân loại viêm màng bồ đào

Tùy thuộc  vào vị trí viêm nhiễm, tổn thương, viêm màng bồ đào được chia thành 4 loại:

  • Viêm màng bồ đào trước: bao gồm viêm mống mắt và viêm mống mắt thể mi, đây là loại viêm phổ biến nhất.

  • Viêm màng bồ đào trung gian: thường là viêm phần sau của thể mi.

  • Viêm màng bồ đào sau: Bao gồm viêm võng mạc, viêm hắc mạc hoặc viêm gai thị.

  • Viêm màng bồ đào toàn bộ: Viêm cả màng bồ đào trước, giữa và sau.

Các loại viêm màng bồ đào cũng được phân chia theo tính chất khởi phát (đột ngột hoặc từ từ), thời gian (ngắn hay kéo dài), diễn biến (cấp tính, tái phát hay mạn tính).

3/ Nguyên nhân gây bệnh

nguyên do của bạn

Viêm màng bồ đào thường có căn nguyên phức tạp, các yếu tố có thể dẫn đến viêm màng bồ đào có thể là:

  • Vi khuẩn, virus, nấm hay ký sinh trùng xâm nhập, tấn công vào màng bồ đào gây viêm.

  • Nhiễm trùng thứ phát sau phẫu thuật nhãn khoa.

  • Nhiễm các loại độc tố từ thức ăn, hóa chất,...

  • Bệnh tự miễn.

  • Chấn thương mắt

  • Viêm thứ phát sau các bệnh lý toàn thân như collagenose, bệnh da liễu, sarcoidose, bệnh Behcet, nhiễm trùng huyết, viêm khớp thiếu niên vô căn, viêm khớp liên quan đến cột sống,...

  • Không rõ căn nguyên. Gần một nửa trường hợp mắc viêm màng bồ đào không rõ căn nguyên, được gọi là viêm màng bồ đào tự phát.

4/ Viêm màng bồ đào có nguy hiểm không

Viêm màng bồ đào là bệnh lý không lây lan nhưng không được điều trị kịp thời và đúng cách sẽ để lại nhiều biến chứng nghiêm trọng cho mắt.

  • Tăng nhãn áp: là biến chứng phổ biến nhất của bệnh viêm màng bồ đào trước. Biến chứng tăng nhãn áp thường xảy ra trong đợt viêm cấp do tắc nghẽn góc tiền phòng, nghẽn đồng tử. Ngoài ra, tăng nhãn áp còn có thể do di chứng dính bít đồng tử, dính góc tiền phòng hoặc tân mạch mống mắt sau mắc viêm màng bồ đào trước hay tăng nhãn áp do sử dụng corticoid điều trị kéo dài.

  • Đục thủy tinh thể: thưởng là biến chứng của viêm mống mắt thể mi tái phát hoặc mạn tính do sử dụng corticoid điều trị kéo dài.

  • Phù hoàng điểm dạng nang là biến chứng của viêm màng bồ đào trung gian hoặc viêm màng bồ đào sau.

  • Teo nhãn cầu: đây là biến chứng bệnh viêm mống mắt thể mi nặng do giảm tiết thủy dịch vĩnh viễn.

  • Tổ chức hóa dịch kính do dịch kính đục, làm giảm thị lực và bong dịch kính. Tình trạng này kéo dài có thể gây thoái hóa, bong võng mạc do xơ dịch kính và có kéo.

  • Biến chứng khác: màng trước võng mạc, tân mạch đĩa thị.

Như vậy, viêm màng bồ đào gây ra nhiều biến chứng và nguy cơ dẫn đến mù lòa rất cao. Vì vậy, người bệnh cần phát hiện kịp thời và điều trị sớm bệnh lý này để tránh những nguy hiểm về sau cho mắt.

5/ Phương pháp chẩn đoán & điều trị

5.1/ Phương pháp chẩn đoán

chuẩn đoán

Viêm màng bồ đào được chẩn đoán bằng cách thăm khám mắt toàn diện, bao gồm:

  • Kiểm tra thị lực thông qua bảng đo thị lực.

  • Dùng đèn soi đáy mắt hoặc đèn khe sinh hiển vi quan sát bên trong mắt, sử dụng thuốc nhỏ mắt làm giãn đồng tử để quan sát dễ dàng hơn.

  • Kiểm tra nhãn áp.

Ngoài ra, bệnh nhân có thể thực hiện các kiểm tra khác nếu như nghi ngờ có các vấn đề tiềm ẩn, từng bị mắc viêm màng bồ đào hay viêm màng bồ đào nghiêm trọng ảnh hưởng đến cả hai mắt. Các kiểm tra khác này bao gồm:

  • Chụp cắt lớp mắt.

  • Xét nghiệm máu

  • Chụp X - quang.

5.2/ Phương pháp điều trị

Hơn nửa bệnh nhân viêm màng bồ đào thường không rõ nguyên nhân, do đó việc lựa chọn phương pháp điều trị rất khó khăn. Phương pháp điều trị viêm màng bồ đào có thể được lựa chọn bao gồm:

5.2.1/ Điều trị nội khoa

Điều trị theo nguyên nhân bằng các nhóm thuốc đặc hiệu: kháng sinh chống vi khuẩn, thuốc chống virus, thuốc chống nấm, thuốc diệt ký sinh trùng,...

Thuốc giãn đồng tử và liệt thể mi: Atropin 1 - 4% giúp làm giãn đồng tử, tách dính mống mắt vào mặt trước thủy tinh thể giúp giảm viêm, giảm đau.

Thuốc chống viêm: corticoid dạng tra mắt, tiêm hoặc dùng toàn thân có tác dụng chống viêm chủ lực nhưng có nhiều tác dụng phụ, do đó cần theo dõi chặt chẽ trong điều trị; các thuốc thay thế corticoid trong trường hợp chống chỉ định gồm Indomethacin, Diclofenac,...

Thuốc ức chế miễn dịch được chỉ định trong trường hợp viêm màng bồ đào nặng, kháng corticoid, các thuốc được lựa chọn có thể là cyclophosphamide, Chlorambucil, Azathioprin, Methotrexat, Cyclosporin,... Trong quá trình dùng thuốc cần chặt chẽ theo dõi chức năng gan thận, ngừng thuốc khi có dấu hiệu nhiễm độc hoặc không đạt hiệu quả điều trị.

5.2.2/ Phẫu thuật

phẫu thuật chữa bệnh

Phẫu thuật được chỉ định khi viêm màng bồ đào có biến chứng bao gồm:

  • Phẫu thuật thủy tinh thể.

  • Phẫu thuật điều trị tăng nhãn áp.

  • Cắt dịch kính, bóc màng trước võng mạc.

  • Phẫu thuật bong võng mạc.

Viêm màng bồ đào gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe đôi mắt và thị lực, vì vậy cần phát hiện và điều trị sớm để tránh tổn thương nghiêm trọng hơn và khó điều trị, phục hồi. Hy vọng qua bài viết dưới đây, bạn đã hiểu rõ hơn về viêm màng bồ đào và đến các cơ sở y tế kịp thời để thăm khám khi có các dầu hiệu bất thường.

Liên hệ hotline 18006574 hoặc truy cập website duocsanfo.vn đề cập nhật những thông tin sức khỏe mới nhất!

04 234 88666