Viêm lợi trùm là gì? Điều trị viêm lợi trùm như thế nào?

  23/11/2022

  Lê Hoàn

Viêm lợi trùm là một vấn đề về răng miệng liên quan đến quá trình mọc răng, đặc biệt là mọc răng khôn gặp phải ở nhiều đối tượng. Viêm lợi trùm gây ảnh hưởng đến sinh hoạt ăn uống và thậm chí gây ra nhiều biến chứng nguy hại cho răng miệng.

1/ Viêm lợi trùm là gì?

viêm lợi trùm

Viêm lợi trùm là một bệnh lý răng miệng xảy ra do quá trình mọc răng. Đây là tình trạng lợi bao trùm lên bề mặt răng khiến răng bị kẹt lại bên trong và ngăn cản quá trình răng phát triển. Thường quá trình mọc răng gây viêm lợi trùm là quá trình mọc răng khôn.

2/ Nguyên nhân gây bệnh

Viêm lợi trùm thường do 3 nguyên nhân sau:

  • Lợi không tiêu biến khi răng mọc lên khiến răng ở phía dưới không nhô lên được và đầu răng đâm vào lợi, cọ sát thời gian dài gây sưng, viêm, đau.

  • Răng khôn hoặc răng sữa mọc lên đẩy phần lợn nhô cao tạo những kẽ hở làm thức ăn bị kẹt lại và tạo thành môi trường cho vi khuẩn gây viêm sinh sôi và phát triển. Khi vệ sinh răng miệng không tốt, những vi khuẩn này sẽ thông qua những tổn thương do răng mọc lên gây ra trên lợi trùm để xâm nhập vào bên trong gây nên viêm nhiễm.

  • Răng khôn mọc lệch đâm vào phần lợi xung  quanh gây viêm.

3/ Biểu hiện của bệnh viêm lợi trùm

biểu hiện của bệnh lý

Những biểu hiện của viêm lợi trùm bao gồm:

  • Sưng, nóng, đỏ, đau nhức khó chịu tại vị trí lợi trùm bị viêm trong một thời gian dài, một số trường hợp viêm nặng có chảy mủ.

  • Cơ thể mệt mỏi, có thể bị sốt do phản ứng viêm, một số trường hợp bị nổi hạch ở cổ.

  • Đau, sưng khiến không nhai được, đặc biệt là các loại thức ăn nóng, lạnh, nhiều gia vị, chua, cay,..., cản trở quá trình ăn uống

  • Tình trạng sưng đau lặp đi lặp lại, tái phát nhiều lần.

  • Có thể gặp tình trạng hôi miệng do thức ăn bám vào các kẽ hở khó vệ sinh.

4/ Viêm lợi trùm có nguy hiểm

 Viêm lợi trùm do mọc răng khôn sẽ tự khỏi nếu răng khôn mọc đúng vị trí và phát triển bình thường, tuy nhiên thời gian mọc răng khó xác định được cụ thể. Nếu tình trạng viêm kéo dài khiến người mọc răng khôn khó ăn, ăn không ngon có thể dẫn đến sụt cân.

Trong trường hợp viêm lợi trùm có sự xâm nhập của vi khuẩn thì tình trạng này có thể phục hồi sau khoảng 3 - 5 ngày nhưng sẽ tái phát lặp đi lặp lại những viêm nhiễm trước.

Một số trường hợp phần lợi trùm bị hở tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công và phát triển mạnh mẽ khiến tình trạng sưng viêm kéo dài sẽ gây ra một số biến chứng như:

  • Tiêu thân răng số 7: là tình trạng răng khôn mọc ngầm và lợi trùm viêm nhiễm ép sang răng số 7 bên cạnh lâu ngày khiến răng số 7 có thể bị tiêu chân và thân răng cũng có thể hư tổn khó phục hồi.
  • Lở loét, hoại tử vùng nướu: Vi khuẩn phát triển mạnh mẽ ở phần lợi trùm có thể khiến lợi bị viêm nhiễm nghiêm trọng, tạo thành các ổ mủ tiết ra acid bào mòn men răng và các vùng nướu xung quanh. Men răng bị bào mòn khiến răng yếu hơn, dễ bị lung lay và gây đau dữ dội thậm chí đau tới vùng tai, đầu.
  • Biến chứng u nang  xương hàm: Tình trạng nhiễm trùng răng hoặc các tổ chức túi răng còn sót lại trong quá trình mọc răng số 8 cũng có thể tạo thành các khối u nang trong xương hàm. Các khối u này khi không điều trị kịp thời có thể dẫn đến nguy cơ tiêu xương hàm, gãy xương hàm.
  • Các bệnh lý răng miệng: Lợi trùm bị viêm gây khó khăn cho quá trình làm sạch răng miệng khiến răng miệng không được chăm sóc đúng cách, các răng bên cạnh bị tổn thương làm cho các triệu chứng phát triển nặng hơn, có thể gây viêm nướu hôi miệng.
  • Ngoài ra, viêm lợi trùm do răng khôn mọc ngầm có thể chèn ép dây thần kinh mặt gây đau buốt, mất cảm giác  ở môi hoặc răng cửa.

5/ Phương pháp chẩn đoán & điều trị bệnh

5.1/ Chẩn đoán viêm lợi trùm

Viêm lợi trùm thường được chẩn đoán bằng cách dựa trên các thăm khám lâm sàng và thông qua hình ảnh X-quang:

Thăm khám lâm sàng

  • Kiểm tra lợi trùm, đánh giá triệu chứng và tình trạng sức khỏe thông qua vấn đáp.

  • Tiền sử mắc bệnh.

Chẩn đoán hình ảnh: Chụp X-quang để xác định vị trí răng bị ảnh hưởng, nguyên nhân và mức độ tổn thương.

5.2/ Điều trị viêm lợi trùm

điều trị bệnh

5.2.1/ Điều trị nha khoa

Điều trị viêm lợi trùm bằng nha khoa là phương pháp được ưu tiên lựa chọn của nhiều bệnh nhân hiện nay. Tùy vào mức độ nặng của bệnh, các phương pháp điều trị nha khoa được lựa chọn.

Đối với trường hợp răng mọc thẳng, không bị lệch hay chen ngang, phương pháp cắt bỏ lợi trùm được áp dụng. Phần lợi trùm sau khi vừa cắt bỏ sẽ đau sưng và rỉ ít máu và hồi phục hoàn toàn sau 1 - 2 tuần. Trong khoảng thời gian sau cắt bỏ lợi trùm, cần chú ý vệ sinh răng miệng sạch sẽ, khử trùng, chăm sóc theo hướng dẫn để tránh nguy cơ bị nhiễm trùng.

Đối với trường hợp răng mọc lệch, đâm vào răng khác thì bệnh nhân sẽ được chỉ định nhổ răng sau khi đánh giá tình trạng viêm. Việc vệ sinh răng miệng sau khi nhổ răng có ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả điều trị.

Điều trị viêm lợi trùm bằng kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn giúp giải quyết tạm thời tình trạng viêm lợi trùm. Kháng sinh chỉ là phương pháp tạm thời, do đó tình trạng viêm lợi có thể tái phát.

5.2.2/ Điều trị viêm lợi trùm tại nhà

Giảm tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng bằng cách dùng tăm bông y tế đã được khử trùng và đảm bảo vệ sinh thấm sạch dịch mủ bên trong.

Súc miệng bằng nước muối sinh lý hoặc dung dịch súc miệng để cải thiện viêm nhiễm, giảm thiểu nguy cơ vi khuẩn lây lan và gây hại sang các vùng răng lợi xung quanh.

6/ Cách phòng ngừa bệnh

cách phòng ngừa bệnh lý

Viêm lợi trùm thường liên quan đến quá trình mọc răng, tùy theo từng đối tượng và thưởng không thể chủ động phòng tránh. Tuy nhiên, chúng ta có thể giảm thiểu mức độ viêm bằng các biện pháp sau:

  • Sử dụng nước súc miệng đặc trị dành cho viêm lợi để giảm tình trạng viêm nhiễm.

  • Vệ sinh răng miệng sạch sẽ, đánh răng 2 lần mỗi ngày kết hợp với súc miệng bằng nước muối, lấy cao răng định kỳ để loại bỏ bớt vi khuẩn, giảm viêm nhiễm. Chải răng vừa phải, tránh việc quá mạnh tay gây chảy máu, tăng tổn thương khiến viêm nhiễm nặng hơn.

  • Tránh ăn các loại thức ăn cứng, dai, cay, nóng, chua, các chất kích thích, tránh va chạm, tác động vào phần lợi bị viêm. Bổ sung các loại thực phẩm giàu canxi tốt cho xương răng.

  • Thăm khám răng miệng định kỳ để theo dõi  sức khỏe răng miệng, loại bỏ mảng bám và phát hiện sớm các bệnh lý răng nướu để xử lý kịp thời.

Qua bài viết trên, hy vọng bạn đọc đã hiểu rõ hơn về tình trạng viêm lợi trùm và lựa chọn được phương pháp xử lý, điều trị phù hợp nhất.

Để biết thêm thông tin chi tiết và cập nhật các kiến thức sức khỏe, bạn hãy truy cập website duocsanfo.vn hoặc gọi đến Hotline 18006574!

04 234 88666