Viêm đa khớp: Nguyên nhân, biến chứng & cách phòng ngừa

  26/10/2022

  Lê Hoàn

Viêm đa khớp là một bệnh lý phổ biến gặp ở nhiều độ tuổi khác nhau nhưng đa số là tuổi trung niên, người già, đặc biệt là nữ giới. Thuật ngữ viêm đa khớp không mấy xa lạ, tuy nhiên không phải ai cũng hiểu đúng về viêm đa khớp. Bài viết dưới đây giúp bạn hiểu rõ hơn về bệnh viêm đa khớp.

1/ Viêm đa khớp là gì?

viêm đa khớp

Viêm đa khớp là một thuật ngữ quen thuộc, đây là một bệnh lý phổ biến gặp ở mọi lứa tuổi nhưng gặp nhiều hơn ở độ tuổi trung niên, người già, đặc biệt là nữ giới. Viêm đa khớp thường được nhiều người nhầm tưởng là một dạng của viêm khớp, tuy nhiên điều đó không đúng mà nó là một tình trạng bệnh tổng quát của các bệnh lý liên quan đến khớp.

Viêm đa khớp là tính trạng viêm ở nhiều khớp (4 - 5 khớp hoặc nhiều hơn) gây ra cảm giác bị đau nhức. Tình trạng này liên quan đến các bệnh tự miễn như viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ, hội chứng Sjogren,... Ngoài ra, sau nhiều lần nhiễm siêu vi cũng có thể dẫn đến viêm đa khớp.

Viêm đa khớp thường xuất hiện dưới các dạng cấp tính, tuy nhiên có nhiều trường hợp khớp bị viêm phát triển thành bệnh mãn tính kéo dài.

Các dạng bệnh viêm đa khớp phổ biến bao gồm:

  • Viêm khớp tự phát thiếu niên thể đa khớp: là một dạng của viêm khớp tự phát thiếu niên (JIA), chủ yếu gặp ở đối tượng thiếu niên trở xuống.

  • Viêm đa khớp dạng thấp: tình trạng bệnh thường biểu hiện viêm ở những khớp nhỏ như khớp bàn tay, cổ tay, ngón tay, khớp khuỷu, khớp vai, khớp đầu gối,... tác động đến các xương dưới sụn, màng hoạt dịch, các sụn khớp gây ra tình trạng nhức mỏi, đau buốt dai dẳng.

  • Lupus ban đỏ: là bệnh lý mô liên kết tổn thương gặp ở nhiều cơ quan, bộ phận khác nhau liên quan đến rối loạn miễn dịch. Ở cơ xương khớp, các khớp thường chịu ảnh hưởng của lupus ban đỏ là khớp ngón tay, cổ tay, đầu gối, mắt cá,...

  • Viêm khớp vảy nến: 10 - 30% người bị vảy nến sẽ có biểu hiện viêm khớp, thường ở khớp ngón tay, khuỷu tay, ngón chân, cổ, vai,... Bệnh này thường do tình trạng viêm khớp phát triển sau khi bị tổn thương do vảy nến.

2/ Nguyên nhân gây bệnh

Viêm đa khớp thường do rối loạn hệ thống miễn dịch gây nên, liên quan đến các bệnh tự miễn như: lupus ban đỏ, viêm khớp dạng thấp, viêm khớp Juvenile, Gout, viêm khớp do vảy nến, viêm khớp phản ứng. Viêm đa khớp cũng có thể liên quan đến các bệnh nhiễm trùng như:

  • Nhiễm trùng virus: Parvovirus, virus viêm gan,virus Ross River, sở, HIV

  • Mắc các bệnh nhiễm trùng: Whipple, lao, Lyme, Well

  • Viêm mạch máu

  • Viêm khớp tế bào

  • Bệnh nội tiết

Các yếu tố nguy cơ mắc bệnh viêm đa khớp:

nguyên nhân gây bệnh viêm đa khớp

  • Những người có lối sống không lành mạnh như hút thuốc lá, sử dụng các chất gây nghiện, chất kích thích, rượu, bia

  • Tuổi càng cao thì nguy cơ mắc viêm đa khớp càng tăng

  • Giới tính nữ thường có tỷ lệ mắc viêm đa khớp cao hơn nam

  • Người có tiền sử gia đình, người thân mắc bệnh viêm đa khớp có nguy cơ mắc bệnh cao hơn người bình thường

3/ Triệu chứng viêm đa khớp

Triệu chứng của viêm đa khớp gần giống với viêm khớp dạng thấp, có thể có các triệu chứng điển hình như:

  • Đau nhiều khớp, đau dai dẳng, đau dữ dội khi vận động quá mức

  • Cứng khớp, khó cử động khớp vào buổi sáng, tình trạng này có thể kéo dài đến 1 tiếng

  • Sưng, nóng, đỏ ở khớp bị viêm

Một số dấu hiệu không điển hình khác của viêm đa khớp: Phát ban, sốt, sưng hạch bạch huyết, chán ăn, mệt mỏi, suy nhược, thiếu năng lượng, sụt cân bất thường,...

Ngoài ra, viêm đa khớp dạng thấp còn có thêm triệu chứng điển hình, đó là tính đối xứng tức nếu bị viêm ở khớp bàn tay trái thì bàn tay phải cũng mắc tình trạng tương tự, triệu chứng này xảy ra ở bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể.

4/ Bệnh viêm đa khớp có nguy hiểm không?

tác hại của bệnh

Viêm đa khớp gây đau đớn, phiền toái, bất tiện cho cuộc sống, sinh hoạt của người bệnh và nếu không phát hiện kịp thời có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như cứng khớp, dính khớp, teo cơ, biến dạng khớp,... và có những biến chứng có thể gây bại liệt, tàn phế không hồi phục.

Không chỉ ảnh hưởng đến xương khớp, viêm đa khớp còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến các bộ phận, cơ quan khác như phổi (gây khó thở, ho mãn tính), mắt (khô mắt, viêm lòng trắng mắt), phát ban da, suy tim, đau tim,...

5/ Cách phòng ngừa bệnh

Biết cách phòng tránh viêm đa khớp từ sớm sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh.

5.1/ Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho xương khớp

Đầy đủ dinh dưỡng giúp tăng cường sức khỏe xương khớp, giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến xương khớp:

  • Bổ sung calci: là chất quan trọng cấu tạo nên xương, giúp xương chắc khỏe, có thể bổ sung calci từ các loại thực phẩm chứa nhiều calci như sữa hoặc các chế phẩm sữa, các loại rau xanh có màu đậm, thủy hải sản, các loại đậu hạt,... hoặc các loại thực phẩm bảo vệ sức khỏe bổ sung calci.
  • Bổ sung Omega-3: giúp tăng cường miễn dịch, hạn chế viêm phát triển, giảm các triệu chứng viêm. Bổ sung Omega-3 từ các loại cá, tôm, cua,...
  • Trà xanh và thảo mộc: có tác dụng kháng viêm, thanh lọc cơ thể, tái tạo sụn khớp, tăng cường khả năng chống viêm.
  • Trái cây chứa vitamin C:Giúp hạn chế nguy cơ viêm khớp, thoái hóa khớp. Bổ sung bằng các loại trái cây như bưởi, cam, kiwi, các loại quả mọng, dứa, lê, dưa hấu, ổi,...

5.2/ Rèn luyện sức khỏe

luyện tập

Việc rèn luyện sức khỏe bằng các bài thể dục thể thao giúp tăng cường sức mạnh cơ bắp, xương khớp dẻo dai hơn, tăng cường hệ miễn dịch.

Mỗi ngày nên tập thể dục thể thao khoảng 30 phút bằng các bài tập như đi bộ, đạp xe, ngồi thiền, bơi lội, yoga, đánh cầu lông,... giúp tăng cường sức khỏe, giảm nguy cơ mắc viêm đa khớp, tăng tuổi thọ xương khớp.

5.3/ Bỏ thói quen xấu

Bỏ các thói quen hút thuốc lá, uống rượu, bia, sử dụng các chất kích thích,... đây là các yếu tố nguy cơ dẫn đến viêm đa khớp và gây ảnh hưởng xấu cho sức khỏe.

Thay đổi thói quen sinh hoạt hằng ngày bằng cách ăn ngủ đúng giờ, ngủ đủ giấc, uống nhiều nước,... giúp cơ thể khỏe mạnh, tăng cường tái tạo xương khớp.

5.4/ Phát hiện và điều trị sớm các chứng bệnh

Ngay khi phát hiện các triệu chứng bất thường ở xương khớp như sưng đỏ, đau nhức kèm mệt mỏi, sốt, chán ăn, người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Ngoài ra, bạn có thể thăm khám và tầm soát bệnh thường xuyên để phát hiện và điều trị sớm, ngăn chặn các biến chứng nguy hiểm.

Viêm đa khớp khá nguy hiểm, đặc biệt đối với những người ở độ tuổi trung niên, người già. Vì vậy, bạn cần tìm hiểu các kiến thức về bệnh và các biện pháp phòng tránh, phát hiện bệnh kịp thời để không xảy ra những biến chứng nặng.

Để biết thêm nhiều thông tin hữu ích, hãy truy cập website duocsanfo.vn hoặc liên hệ Hotline 18006574!

04 234 88666