Viêm cầu thận: Nguyên nhân, biến chứng, phương pháp chuẩn đoán & cách điều trị

  26/10/2022

  Lê Hoàn

Viêm cầu thận là một bệnh lý phổ biến ở trong cổng động và chiếm tỷ lệ lớn trong khoa thận - tiết niệu tại các cơ sở y tế. Viêm cầu thận có thể gặp ở nhiều lứa tuổi và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và cũng như có thể gây tử vong. Vì vậy, bạn cần hiểu biết về bệnh lý này để biết cách phòng tránh cũng như điều trị kịp thời.

1/ Viêm cầu thận là gì?

viêm cầu thận

Viêm cầu thận được chia làm hai thể bao gồm viêm cầu thận cấp và viêm cầu thận mạn. Mỗi thể bệnh lý có nguyên nhân và đặc điểm bệnh lý khác nhau.

Viêm cầu thận cấp là tình trạng tổn thương viêm cấp ở cầu thận (xuất hiện trong vài ngày hoặc vài tuần), liên quan đến đáp ứng miễn dịch của cơ thể đối với các tác nhân là vi khuẩn hoặc không liên quan đến vi khuẩn. Viêm cầu thận cấp có thể nguyên phát do nhiễm liên cầu, cũng có thể do tụ cầu, phế cầu, virus hoặc biểu hiện thứ phát sau khi mắc các bệnh như lupus ban đỏ hệ thống, ban dạng thấp, viêm quanh động mạch dạng nút. Viêm cầu thận cấp ác tính hay bán cấp được gọi là viêm cầu thận thể tiến triển nhanh, có thể tử vong do suy thận và không thể qua khỏi 6 tháng nếu không điều trị kịp thời.

Viêm cầu thận mạn là bệnh lý tổn thương tiểu cầu thận tiến triển sau nhiều năm và tiến triển cuối cùng dẫn đến suy thận mạn, chức năng thận trong bệnh lý này sẽ suy giảm từ từ đến khi hoàn toàn mất hết chức năng.

2/ Nguyên nhân gây bệnh

2.1/ Nguyên nhân gây viêm cầu thận cấp

Nguyên nhân viêm cầu thận cấp có thể liên quan đến vấn đề nhiễm khuẩn hoặc không do nhiễm khuẩn.

Viêm cầu thận cấp do nhiễm khuẩn: 

nhiễm khuẩn

Vi khuẩn gây viêm cầu thận cấp thường do liên cầu tan huyết beta nhóm A. Ngoài ra, một số chủng vi khuẩn khác gây viêm cầu thận hiếm gặp hơn như tụ cầu, phế cầu, não mô cầu, thương hàn, Klebsiella Pneumoniae,... Bên cạnh đó, một số siêu vi gây viêm họng cấp, quai bị sởi, thủy đậu, Epstein Barr, viêm gan B, Cyto megalo Virus (CMV),... cũng có thể gây viêm cầu thận cấp.

Viêm cầu thận cấp cũng có thể do nhiễm nấm Histoplasmose hay nhiễm ký sinh trùng như Plasmodium falciparum và Malariae, Toxoplasma Gondii, sán máng,...

Viêm cầu thận cấp không do nhiễm khuẩn

Viêm cầu thận cấp thứ phát sau khi mắc các bệnh tạo keo như lupus ban đỏ hệ thống, viêm quanh động mạch dạng nút, ban dạng thấp hay do quá mẫn với một số thuốc như Penicillin, Sulfamid, Vaccine hay một số thực phẩm như tôm, cua.

2.2/ Nguyên nhân gây viêm cầu thận mạn

Viêm cầu thận mạn thường không liên quan đến nhiễm khuẩn mà do tiến triển nặng của các bệnh lý trước đó như:

  • Viêm cầu thận cấp (10 - 20%)
  • Viêm cầu thận có kèm hội chứng thận hư
  • Các bệnh hệ thống như ban dạng thấp hay lupus ban đỏ hệ thống,...
  • Đái tháo đường
  • Bệnh cầu thận di truyền
  • Một số trường hợp viêm cầu thận mạn không rõ nguyên nhân.

Hầu hết các bệnh ở cầu thận đều dẫn đến viêm cầu thận mạn, ngoại trừ bệnh cầu thận với mức độ tổn thương tối thiểu. Do đó cần phát hiện sớm bệnh viêm cầu thận cấp và giải quyết các bệnh nhiễm trùng để làm chậm sự tiến triển của bệnh thành viêm cầu thận mạn và kéo dài tuổi thọ.

3/ Triệu chứng của viêm cầu thận

3.1/ Triệu chứng viêm cầu thận cấp

dấu hiệu viêm cầu thận

Viêm cầu thận cấp do nhiễm khuẩn:

Bệnh thường gặp ở trẻ em sau đợt nhiễm khuẩn da hầu họng từ 7 - 15 ngày. Nhiễm khuẩn da thường ủ bệnh dài hơn.

Giai đoạn khởi phát thường xảy ra đột ngột với các biểu hiện:

  • Mệt mỏi toàn thân, sốt 38 - 39 độ C.

  • Đau hai bên thắt lưng, rối loạn tiêu hóa, đau bụng, buồn nôn, chán ăn.

  • Có thể vẫn còn triệu chứng viêm họng, viêm da.

Giai đoạn toàn phát:

  • Thiểu niệu hoặc vô niệu: Triệu chứng xuất hiện sớm, lượng nước tiểu khoảng 500 - 600ml/24 giờ. Khi có thiểu niệu (nước tiểu dưới 500ml/24h) hoặc vô niệu (nước tiểu dưới 100ml/24 giờ), bệnh đã tiến triển đến suy thận cấp.

  • Phù: ban đầu biểu hiện phù ở mặt như nặng mí mắt và có thể khỏi nhanh nhưng phù có thể lan xuống các chi, cuối cùng phù toàn thân. Đặc điểm phù bao gồm phù mềm, trắng, ấn lõm để lại dấu ngón tay; phù quanh mắt cá, mặt trước xương chày, mu bàn chân. Có thể phù tiến triển nặng với phù toàn thân gây tràn dịch màng phổi, màng bụng, phù phổi cấp, phù não. Tình trạng phù phụ thuộc vào chế độ ăn uống.

  • Tăng huyết áp: 60% bệnh nhân viêm cầu thận có biểu hiện tăng huyết áp, rõ ở hai tuần đầu của bệnh, tăng cả huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương. Phù phổi cấp trong viêm cầu thận cấp thường do tai biến của tăng huyết áp, phù và suy tim trái.

  • Đái máu: thường gặp đái máu vi thể, đái máu kéo dài 3 - 6 tháng.

Viêm cầu thận cấp không do nhiễm khuẩn:

70% lupus ban đỏ hệ thống bị viêm cầu thận cấp có biểu hiện nặng lên khi điều trị bằng hormon vỏ thượng thận, khi nặng lên có kèm viêm đa khớp, viêm đa màng.

30% người mắc ban dạng thấp bị viêm cầu thận cấp với biểu hiện protein niệu và đài máu

Viêm cầu thận cấp do quá mẫn với thuốc, vacxin thường có chuyển biến tốt sau khi ngừng thuốc.

3.2/ Triệu chứng của viêm cầu thận mạn

Các triệu chứng viêm cầu thận mạn bao gồm:

  • Protein niệu

  • Phù: phù mềm, ấn lõm, giai đoạn tiềm tàng thường không biểu hiện rõ. Nếu có hội chứng thận hư sẽ phù toàn thân và gây tràn dịch các màng.

  • Lượng nước tiểu ít và thay đổi theo giai đoạn bệnh.

  • Tăng huyết áp khi bệnh tiến triển đến suy thận.

  • Hồng cầu niệu: đái máu vi thể.

  • Thiếu máu, tình trạng thiếu máu nặng dần theo theo mức độ nặng của bệnh

  • Ure máu cao khi suy thận rõ: nôn, rối loạn tiêu hóa, xuất huyết, thở sâu, rối loạn kiểu thở, hôn mê.

4/ Đối tượng có nguy cơ mắc viêm cầu thận cao

  • Sau nhiễm liên cầu tan huyết beta nhóm A do nhiễm khuẩn da, hầu họng.

  • Mắc các bệnh hệ thống như ban dạng thấp, lupus ban đỏ hệ thống hay các bệnh khác như đái tháo đường,...

  • Dùng một số loại thuốc gây ảnh hưởng đến cầu thận thận như penicillin, sulfamid, Vaccine,...

  • Tăng huyết áp không kiểm soát.

  • Viêm cầu thận cấp tái phát nhiều lần phát triển thành viêm cầu thận mạn

5/ Phương pháp chuẩn đoán & điều trị

5.1/ Chẩn đoán viêm cầu thận

phương pháp chuẩn đoán viêm cầu thận

Viêm cầu thận cấp:

Chẩn đoán xác định: dựa trên các triệu chứng lâm sàng gồm phù, tăng huyết áp, thiểu niệu hoặc vô niệu; cận lâm sàng gồm protein niệu và hồng cầu niệu.

Chẩn đoán gián biệt: chẩn đoán viêm cầu thận cấp do nhiễm khuẩn và không do nhiễm khuẩn dựa vào bệnh sử, cấy vi khuẩn, dịch mũi họng, mủ ngoài da, các kháng thể kháng liên cầu (ALSO). Chẩn đoán đợt cấp của viêm cầu thận mạn dựa vào tiền sử, bệnh sử, siêu âm đo kích thước thận.

Theo dõi và tiên lượng: viêm cầu thận cấp thường gặp ở trẻ em nhưng tiên lượng tốt hơn, ít gặp ở người lớn nhưng tiên lượng nặng hơn. Tiên lượng tốt khi bệnh có thể khôi phục hoàn toàn. Viêm cầu thận cấp có thể dẫn đến tử vong trong đợt cấp do phù phổi cấp, suy tim, suy thận cấp, nhiễm khuẩn.

Viêm cầu thận mạn:

Chẩn đoán xác định dựa vào các triệu chứng lâm sàng gồm phù, tăng huyết áp; cận lâm sàng gồm protein niệu, hồng cầu niệu, trụ niệu, ure máu, creatinin máu tăng, X-quang thận, chụp thận. Trong giai đoạn tiềm tàng, phải chẩn đoán xác định bằng sinh thiết thận.

Chẩn đoán thể tiềm tàng: tiền sử bệnh cầu thận, hồng cầu niệu, trụ niệu kéo dài, sinh thiết thận

Chẩn đoán đợt cấp của viêm cầu thận mạn: tiền sử viêm cầu thận mạn, tăng huyết áp ác tính, có các đợt nhiễm khuẩn, có thai.

5.2/ Điều trị

cách điều trị

Viêm cầu thận cấp

Thiểu niệu, vô niệu có tăng ure, creatinin máu: lượng nước 500 - 600ml/ngày, muối 2g/ngày, protein 20g/ngày.

Thiểu niệu, vô niệu có phù, tăng huyết áp, ure, creatinin máu không tăng: muối 0,5 - 1g/ngày, protein 40g/ngày.

Nghỉ ngơi 3 - 4 tuần cho đến khi hết triệu chứng, hoạt động trở lại sau khoảng 6 - 8 tuần (có thể còn protein niệu và đái máu vi thể)

Điều trị bằng kháng sinh khi có dấu hiệu nhiễm liên cầu, kháng sinh thường sử dụng là penicillin, thay thế bằng erythromycin hoặc tetracycline nếu kháng hoặc dị ứng với penicillin

Trong thể viêm cầu thận cấp tiến triển nhanh, sử dụng các thuốc corticoid gồm prednisolone hoặc methylprednisolone.

Biến chứng tăng huyết áp: sử dụng các nhóm thuốc hạ áp kết hợp với chế độ ăn kiêng mặn, nghỉ ngơi tuyệt đối.

Biến chứng phù phổi cấp: Sử dụng lasix liều cao, Ouabain, thở oxy, morphin khi cần thiết.

Biến chứng phù não: Truyền glucose ưu trương, manitol.

Ngoài ra, trong điều trị tăng ure máu, creatinin máu, cần phải đảm bảo đủ năng lượng bằng cách sử dụng Durabulin hoặc testosterone.

Điều trị tăng Kali máu bằng glucose kết hợp insulin hoặc sử dụng Resonium.

Hoãn tiêm phòng vacxin trong thời gian viêm cầu thận cấp và trong 2 năm đầu sau khi hết viêm cầu thận cấp.

Viêm cầu thận mạn

Điều trị triệu chứng và biến chứng:

Nghỉ ngơi, ăn nhạt, ít muối, ít protia, hạn chế lượng nước đưa vào.

Điều trị bằng thuốc lợi tiểu khi có phù và tăng huyết áp, dùng các thuốc hạ áp khi tăng huyết áp, không dùng thuốc hạ áp nhóm chẹn beta khi có suy tim.

Dùng kháng sinh khi có kèm viêm nhiễm, tránh dùng loại kháng sinh độc cho thận. Với viêm họng, kháng sinh được ưu tiên sử dụng là penicillin hoặc Ampicillin.

Điều trị nguyên nhân: 

Điều trị các bệnh nguyên nhân bao gồm lupus ban đỏ hệ thống, đái tháo đường, viêm cầu thận cấp,... trước khi bệnh tiến triển đến biến chứng viêm cầu thận mạn.

Điều trị phối hợp khi viêm cầu thận mạn có kèm hội chứng thận hư.

Viêm cầu thận là bệnh lý nguy hiểm và khá phổ biến, vì vậy cần có kiến thức về bệnh lý để giúp bạn phòng tránh cũng như phát hiện sớm để điều trị kịp thời tránh dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Hy vọng bài viết đã cung cấp cho bạn đầy đủ thông tin hữu ích về viêm cầu thận.

Liên hệ hotline 18006574 hoặc truy cập website duocsanfo.vn để tìm hiểu thêm nhiều kiến thức bệnh lý quan trọng!

04 234 88666